CÁC LOẠI THUỐC CÓ THỂ GÂY KHÔ MẮT



Khô mắt là một tình trạng bệnh lý dai dẳng và khó điều trị, do đó bác sĩ và người bệnh cần quan tâm hơn về các loại thuốc bệnh nhân đang sử dụng, có thể gây ra hoặc làm nặng thêm tình trạng khô mắt có sẵn.
Rất nhiều thuốc điều trị bệnh lý toàn thân có thể ảnh hưởng đến mô mắt và bệnh lý bề mặt nhãn cầu, bao gồm các thuốc được bán theo đơn của bác sĩ và các loại thuốc không kê đơn (OTC) sau đây:
1️⃣ Thuốc hạ huyết áp
Gồm các loại thuốc chẹn thụ thể beta dùng điều trị đau thắt ngực, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim và đau đầu migraine. Thuốc này làm giảm nồng độ lysozyme và igA, gây giảm sản xuất lớp nước của phim nước mắt và khô mắt. Bệnh nhân dùng thuốc chẹn beta có tình trạng giảm cảm giác của giác mạc, giảm thời gian vỡ phim nước mắt và kích ứng mắt.
Các nhóm thuốc lợi tiểu như thiazides hay furosemide cũng gây giảm tiết nước mắt, và thay đổi tình trạng lớp phim nước mắt, dẫn đến khô mắt.
2️⃣ Thuốc kháng histamine và co mạch
Các nhóm thuốc kháng histamine dùng điều trị bệnh lý dị ứng như viêm mũi dị ứng, viêm da hay dị ứng hệ thống. Nhóm thuốc này gây giảm sản xuất lớp nhầy và lớp nước của phim nước mắt, làm khô mắt. Điển hình là các thuốc không kê đơn (OTC) như chlorpheniramine và loratadine.
Các nhóm thuốc kháng histamine thế hệ mới chọn lọc trên H1 như cetirizine hay desloratadine, fexofenadine ít gây khô mắt hơn, nhưng cũng ảnh hưởng đến lớp phim nước mắt.
Một số thuốc OTC điều trị cảm cúm, an thần, chống tiêu chảy và giảm sung huyết mũi có thành phần là kháng histamine kết hợp kháng cholinergic. Nhóm thuốc này ngoài gây khô mắt còn có thể làm giãn đồng tử và giảm phản xạ của đồng tử với ánh sáng.
3️⃣ Hormones
Các liệu pháp hormones thay thế với estrogen đơn thuần hoặc kết hợp progestins thường được dùng cho phụ nữ mãn kinh. Ở những bệnh nhân này, cũng như các bệnh nhân dùng thuốc ngừa thai thường ghi nhận tình trạng khô mắt, được cho là do sự giảm tiết lớp nước của phim nước mắt.
Do đó bệnh nhân mãn kinh đang điều trị với estrogen nên được khám mắt thường xuyên.
4️⃣ Thuốc chống trầm cảm
Các loại thuốc an thần và chống trầm cảm ba vòng có thể gây tác dụng phụ trên mắt như: khô mắt, nhìn mờ, liệt điều tiết.
Một số thuốc thường gặp như amitriptyline, doxepin, paroxetine, sertraline ngày nay được kê đơn cho những bệnh nhân trẻ hơn và nhiều hơn, dẫn đến tình trạng khô mắt ngày càng phổ biến hơn.
5️⃣ Thuốc giảm đau
Ibuprofen, một thuốc không kê đơn (OTC) có thể gây khô mắt kèm theo nhìn mờ, thay đổi độ khúc xạ, song thị và thay đổi sắc giác, đặc biệt khi dùng với liều cao (đến 800mg). Các thuốc chứa acetaminophen (paracetamol) cũng gây khô mắt.
6️⃣ Thuốc da liễu
Một loại thuốc trị mụn phổ biến là isotretinoin, gây rối loạn chức năng tuyến meibomius, dẫn đến khô mắt, viêm kết mạc bờ mi, nhìn mờ thoáng qua, thay đổi khúc xạ đặc biệt là cận thị hoá. Lớp phim nước mắt kém bền vững, mau bay hơi, gây nên tình trạng khô mắt.
7️⃣ Thuốc tiêu hoá
Các thuốc ức chế bơm proton như omeprazole, esomeprazole, ranitidine, cimetidine cũng gây khô mắt, mặc dù ít được nói đến trong phần thông tin thuốc.
8️⃣ Thuốc hoá trị
Cytoxan (cyclophosphamide) dùng điều trị pemphigoid và hội chứng Sjogren, có 60% bệnh nhân sử dụng sẽ gặp tình trạng khô mắt.
9️⃣ Thuốc tâm thần
Phenothizines dùng điều trị tâm thần phân liệt cũng như thioridazine đều gây giảm tiết nước mắt, triệu chứng thường thoáng qua và phụ thuộc vào liều lượng thuốc.
Nguồn:  Which oral meds cause dry eye. Review of cornea & contact lenses

PHÒNG KHÁM MẮT AN TÂM
THS. BSNT. NGUYỄN TRỊNH BẢO AN
Hotline: 0983639405
Zalo: 0983639405