PHẪU THUẬT CẬN THỊ CÓ PHÙ HỢP VỚI BẠN?


Phẫu thuật cận thị là một vấn đề đang được nhiều bạn trẻ quan tâm hiện nay. Tuy nhiên không phải ai cũng phù hợp để mổ cận. Để bảo đảm an toàn và hiệu quả của phẫu thuật, bạn cần có các đặc điểm sau:
1️⃣ Tình trạng mắt khoẻ mạnh
Các bệnh lý như khô mắt nặng, viêm kết mạc (đau mắt đỏ), nhiễm trùng hay chấn thương mắt đều có thể ảnh hưởng đến quá trình phẫu thuật và lành vết thương sau đó. Vì vậy bạn cần đợi đến khi tình trạng mắt ổn mới có thể phẫu thuật.
Nếu bạn có các biểu hiện của khô mắt nặng như cộm xốn, chảy nước mắt, mờ mắt từng lúc hay chảy nước mắt nhiều, phẫu thuật LASIK có thể làm nặng thêm tình trạng này.
Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng khô mắt trước mổ, thông thường có thể điều trị bệnh lý này ổn định, sau đó tiến hành phẫu thuật.
2️⃣ Giác mạc đủ độ dày
Hầu hết các phẫu thuật khúc xạ giúp cải thiện thị lực bằng cách chỉnh hình lại mặt trước của giác mạc (tròng đen). Nếu tiến hành phẫu thuật trên mắt có giác mạc quá mỏng hay bề mặt giác mạc không đều có thể dẫn đến kết quả kém sau mổ.
Nếu trước đây bạn được bác sĩ tư vấn không thể mổ LASIK vì giác mạc quá mỏng, thì hiện nay đã có các phương pháp phẫu thuật mới có thể khắc phục tình trạng này. Một ví dụ là phẫu thuật Femto LASIK,  giúp phẫu thuật viên tạo một vạt giác mạc mỏng hơn, giúp bảo toàn được phần mô giác mạc còn lại tốt hơn.
Ngoài ra, trong trường hợp không thể thực hiện được các phẫu thuật tân tiến như Femto LASIK hay SMILE thì phương pháp phẫu thuật khúc xạ sử dụng kính nhân tạo (phakic IOLs) cũng là một lựa chọn được xem xét.
3️⃣ Kích thước đồng tử không quá lớn
Đồng tử (con ngươi) giúp ánh sáng đi vào mắt và đến võng mạc. Nếu kích thước đồng tử quá lớn có thể dẫn đến các hiện tượng xảy ra sau mổ như: nhìn mờ, loá, chói xung quanh các vật phát sáng như bóng đèn, đặc biệt khi lái xe ban đêm.
4️⃣ Độ khúc xạ nằm trong giới hạn cho phép
Nếu độ khúc xạ (bao gồm độ cận, viễn, loạn) quá cao, bạn có thể không phù hợp với phẫu thuật LASIK.
Kết quả phẫu thuật LASIK trong trường hợp độ khúc xạ cao thường khó tiên đoán và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngoài ra trong trường hợp độ cận quá cao dẫn đến cần lấy đi nhiều mô giác mạc, tăng nguy cơ biến chứng sau mổ.
Do đó trong trường hợp này, một phương pháp phẫu thuật khác (đặt kính nhân tạo phakic IOL) có thể phù hợp hơn.
5️⃣ Độ tuổi phù hợp
Bạn cần đạt độ tuổi tối thiểu là 18, hoặc tốt nhất là trên 21 tuổi. 
Thông thường không có giới hạn độ tuổi tối đa có thể phẫu thuật. Tuy nhiên cần lưu ý là sau 40 tuổi, bạn vẫn cần đeo kính lão để có thể nhìn rõ ở khoảng cách gần, đây là tình trạng lão thị do tuổi.
6️⃣ Độ khúc xạ ổn định
Yêu cầu cần thiết là độ khúc xạ ổn định ít nhất 12 tháng trước khi thực hiện phẫu thuật khúc xạ.
7️⃣ Tình trạng sức khoẻ tốt
Các bệnh lý thoái hoá hay tự miễn như hội chứng  Sjogren, viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường type1… có thể là chống chỉ định của phẫu thuật, do làm cản trở quá trình lành vết thương sau mổ.
Một vài loại thuốc như thuốc ức chế miễn dịch có thể gây khô mắt nặng, hoặc cản trở sự lành sau mổ.
8️⃣ Phụ nữ có thai nên hoãn mổ
Phẫu thuật khúc xạ không phù hợp với phụ nữ có thai và cho con bú, do sự thay đổi hormone có thể ảnh hưởng lên hình dạng giác mạc, làm thay đổi tạm thời độ khúc xạ và thị lực.
Do đó thông thường cần đợi ít nhất vài tháng sau sanh để các chỉ số trở về bình thường.
9️⃣ Hiểu rõ các lợi ích và rủi ro
Đa số trường hợp phẫu thuật đều thành công và kết quả là bệnh nhân hài lòng. Tuy nhiên trước mổ, bạn cần hiểu rõ về các tác dụng phụ, nguy cơ cũng như biến chứng có thể xảy ra sau mổ, trước khi quyết định phẫu thuật.
Như vậy để biết chắc mình có phù hợp với phẫu thuật khúc xạ hay không, bạn cần được thăm khám toàn diện bởi bác sĩ chuyên khoa mắt. 
Lược dịch từ All About Vision

PHÒNG KHÁM MẮT AN TÂM
THS. BSNT. NGUYỄN TRỊNH BẢO AN
Hotline: 0983639405
Zalo: 0983639405